Cơm tấm được nấu từ tấm của hạt gạo. Trong quá trình xay giã thóc, hột mầm phía đầu hột gạo tróc ra được gọi là tấm. Tấm là kết tinh của cả cây lúa dồn lên hạt thóc nên phần dinh dưỡng của gạo tấm rất là cao. Phần tinh túy này không có nhiều nên thời phong kiến chỉ có bậc hương chức, lý hộ mới được ăn tấm.
Tấm gạo khi nấu chín, nắp chưa kịp mở, hương đã bay ra thơm ngát, thơm hơn cả gạo tám. Cơm tấm cũng không nở bung ra như cơm thường mà chỉ nở phồng, vị ngọt hơn cơm gạo. Tấm ngâm trong nước sạch chừng vài giờ rồi hấp cách thủy cho đến chín hoặc nấu bằng nồi gang, nồi đất trên lửa.
Cơm tấm tự thân nó đã là một món ăn ngon nhưng bình dân hay cao cấp còn phụ thuộc vào thức ăn đi kèm. Cơm tấm có thể ăn với gà nướng, sườn nướng, các món cá, tôm, thịt kho, thêm đồ chua, hành lá phi (hay gọi là sốt mỡ hành) rưới lên cơm, ăn cùng nước mắm chua ngọt thêm chút ớt tươi… Nhưng cơm tấm ngay từ thuở ban đầu sơ khai là cơm tấm sườn-bì-chả.

Cơm tấm với người Sài Gòn như phở với người Hà Nội. Mà thực ra cơm tấm cũng không phải riêng gì của Sài Gòn mà là “tài sản” chung cho khắp lục tỉnh Nam Kỳ, là món ăn “không biên giới”, “không giai cấp” dù chưa được vinh danh như phở nhưng cũng vượt đại dương sang Nga, sang Mỹ và các nước khác. Dân lao động chuộng cơm tấm, giới công chức ưa cơm tấm, học sinh, sinh viên cũng chọn cơm tấm là “bạn hiền” bởi nó dễ tìm và vừa túi tiền.
Sưu tầm